Một số chính sách mới liên quan đến người lao động

  1. Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối cới cán bộ, CNVC-LĐ và LLVT.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang áp dụng từ ngày 1-5-2016

Đối tượng thực hiện tăng lương cơ sở theo nghị định này gồm cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, TP trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Mức lương cơ sở mới là 1.210.000 đồng/tháng và được tính hưởng kể từ ngày 01-5-2016.

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng nêu trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7. Mức lương cơ sở quy định tại nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1-5-2016.

  1. Thông tư số 08/2016/TT-BGĐT

Ngày 13/5/2016, Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 08) quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác CĐ không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chính thức có hiệu lực thi hành. Hơn 220.000 giáo viên, giảng viên thuộc đối tượng nêu trong Thông tư 08 sẽ hưởng chế độ giảm định mức như quy định trong thông tư.

  1. Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH 2016

Từ ngày 15/02/2016, Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể:

– Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng thực hiện theo Bảng 1 Điều 2 của Thông tư này.

– Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 Điều 3 của Thông tư này.

Các quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2016.

  1. Danh mục các loại phụ cấp lương tính đóng bảo hiểm xã hội

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Theo đó, từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH .

Phụ cấp lương nêu trên là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Một số loại phụ cấp lương như sau:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;

– Phụ cấp trách nhiệm;

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thâm niên;

– Phụ cấp khu vực;

– Phụ cấp lưu động;

– Phụ cấp thu hút;

– Phụ cấp có tính chất tương tự.

  1. Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động.

Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động (NLĐ) làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Theo đó:

– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.

– Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:

+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.

+ Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.

– Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ.

Thông tư này thay thế Thông tư 33/2011/TT-BLĐTBXH.

  1. Hướng dẫn mới về đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 16/12/2016, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 139/2015/TT-BQPhướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

+ Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

+ Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Thông tư 139/2015/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

  1. Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo

Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.